Sàn giao dịch phế liệu online
Mô hình kinh tế tuần hoàn

Since 2007

Bảo vệ và quản lý nguồn tài nguyên nước ở Việt Nam

Co ba la

Hạt giống tốt
Tham gia
16/9/11
Bài viết
1
Cảm xúc
0
An toàn hóa chất | an toàn lao động | Sự cố tràn dầu | Bộ ứng cứu tràn đổ 25L
A. LỜI MỞ ĐẦU:

Nước là một loại tài nguyên quí giá và giữ vai trò quan trọng. Hàng loạt tài liệu khoa học công bố trong nhiều thế kỷ vừa qua trên thế giới đã nói lên điều đó. Khoảng hơn hai trăm năm trước đây, trong sách “Vân Đài loại ngữ”, nhà bác học Việt Nam Lê Quý Đôn đã viết:
"Vạn vật không có nước không thể sống được,
Mọi việc không có nước không thể thành được".
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có câu nói tuyệt vời trong huấn thị của Người tại Hội nghị Thủy lợi toàn miền Bắc họp tại Bắc Ninh, ngày 14-9-1959 như sau:
"Việt Nam ta có hai tiếng Tổ quốc, ta cũng gọi Tổ quốc là đất nước; có đất và có nước, thì mới thành Tổ quốc. Có đất lại có nước thì dân giàu nước mạnh...
... Nhiệm vụ của chúng ta là làm cho đất với nước điều hoà với nhau để nâng cao đời sống nhân dân, xây dựng chủ nghĩa xã hội".
Không có nước thì không có sự sống trên hành tinh của chúng ta. Nước là động lực chủ yếu chi phối mọi hoạt động dân sinh kinh tế của con người. Nước được sử dụng rộng rãi trong sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, thuỷ điện, giao thông vận tải, chăn nuôi thuỷ sản v.v.. Do tính chất quan trọng của nước như vậy nên UNESCO lấy ngày 23/III làm ngày nước thế giới.
Nước là một loại tài nguyên được tái tạo theo quy luật thời gian và không gian. Nhưng ngoài quy luật tự nhiên, hoạt động của con người đã tác động không nhỏ đến vòng tuần hoàn của nước. Nước ta có nguồn tài nguyên nước khá phong phú nhưng khoảng 2/3 lại bắt nguồn từ ngoài lãnh thổ quốc gia, mùa khô lại kéo dài 6-7 tháng làm cho nhiều vùng thiếu nước trầm trọng. Dưới áp lực của gia tăng dân số, nhu cầu phát triển kinh tế xã hội đã ảnh hưởng tiêu cực đến tài nguyên nước như tăng dòng chảy lũ, lũ quét, cạn kiệt nguồn nước mùa cạn, hạ thấp mực nước ngầm, suy thoái chất lượng nước…
Do đó, giữ gìn, bảo vệ tài nguyên nước, dùng đủ hôm nay, giữ gìn cho ngày mai, là trách nhiệm của toàn xã hội. Mỗi người dân cần được tuyên truyền sâu rộng về tài nguyên nước, từ đó thấy được nghĩa vụ của mình trong viêc giữ gìn bảo vệ nguồn tài nguyên quý giá này.
Xuất phát từ vấn đề trên em chọn đề tài “Bảo vệ và quản lý nguồn tài nguyên nước ở Việt Nam ” làm đề tài để nghiên cứu.


B. NỘI DUNG:

I. PHÂN BỐ CỦA NƯỚC TRÊN TRÁI ĐẤT
Tổng lượng nước trên Trái Đất khoảng 1.386 triệu km3. Trong đó, 97% lượng nước toàn cầu ở các đại dương, 3% còn lại là nước ngọt tồn tại ở dạng băng tuyết, nước ngầm, sông ngòi và hơi nước trong không khí.
Nước luôn tuần hoàn theo chu kì không gian và thời gian.

Tổng lượng nước lớn nhưng lượng nước ngọt mà con người có thể sử dụng được rất ít và chỉ có thể khai thác được từ các nguồn sau:
1. Nước ngọt trên bề mặt đất:
- Lượng nước mưa rơi xuống mặt đất.
- Nước tồn tại trong các sông, rạch, ao, hồ,..
- Một phần rất ít nước từ đầm lầy và băng tuyết.
2. Nước ngọt trong lòng đất:
Nước dưới đất có loại nước mặn, nước lợ và nước ngọt, trong đó nước ngọt chỉ có lưu lượng nhất định. Nước dưới đất được tàng trữ trong các lỗ hổng và khe hở đất đá.

Hình 2: Các tầng chứa nước dưới đất
a) Tầng chứa nước:
Các lớp đất đá có thành phần hạt thô (cát, sạn, sỏi), khe hở, nứt nẻ, có tính thấm nước, dẫn nước tốt mà con người có thể khai thác nước phục vụ cho nhu cầu của mình gọi là các tầng chứa nước.
b) Tầng cách nước:
Là tầng đất đá với thành phần hạt mịn (sét, bột sét), có hệ số thấm nhỏ, khả năng cho nước thấm xuyên qua yếu, khả năng khai thác nước trong tầng này thấp.

II. TÀI NGUYÊN NƯỚC Ở VIỆT NAM:
1. Đặc điểm tài nguyên nước ở Việt Nam:
 Tài nguyên nước tương đối phong phú:
Việt Nam có hệ thống sông ngòi dày đặc, đây là một ưu điểm để phát triển kinh tế vì chúng không những cung cấp lượng nước ngọt khá lớn cho nền kinh tế nước nhà mà còn giúp tăng cường hệ thống giao thông thủy. Toàn Việt Nam có 9 hệ thống sông lớn: Sông Cửu Long, sông Đồng Nai, sông Mã, sông Cả, sông Thái Bình, sông Thu Bồn, sông Ba. Lượng nước có thể chủ động sử dụng là 325x109 m3/ngày. Ngoài ra còn có 460 hồ vừa và lớn.

Việt Nam có tổng lượng nước mặt trung bình năm bằng khoảng 830 tỷ m3. Trong đó phần hình thành trong nước là 310 tỷ, chiếm 37%; phần từ nước ngoài vào là 520 tỷ, chiếm 63%.


Bảng 1. Số liệu so sánh tài nguyên nước của một số quốc gia của Viện Tài nguyên Thế giới - WRI (2002 - 2004)


 Theo số liệu và cách tính của nước ta thì lượng nước mặt là 10.375m3/người, chênh lệch khoảng 7%

Về trữ lượng nước ngầm của Việt Nam ở vào mức trung bình so với thế giới.


Việt Nam cũng có tài nguyên nước nóng và nước khoáng phong phú, đa dạng về loại hình. Theo số liệu điều tra tới năm 1999, cả nước có khoảng 400 nguồn nước khoáng và nước nóng đã được khảo sát, trong đó 287 nguồn đã được công nhận.


Suối nước nóng(www.vnn.vn)
Nguồn nước biển( nước đại dương):

Nước ta với hơn 3000km đường bờ biển, nguồn nước biển là một tài sản vô giá mà thiên nhiên ưu đãi. Biển là nơi nuôi dưỡng, cung cấp nguồn hải sản lớn nhất và là nơi khai thác muối chủ yếu. Biển điều hòa khí hậu, cho ta những nơi nghỉ ngơi thật lý tưởng, nhưng cũng là nơi xuất phát của những cơn bão đồ sộ vào nước ta.


 Xét theo những số liệu như đã nêu trên có thể nói rằng Việt Nam là một quốc gia tương đối giàu tài nguyên nước.

Tuy nhiên xét theo một số khía cạnh khác thì bên cạnh thuận lợi cơ bản nói trên tài nguyên nước của nước ta có nhiều khó khăn và phức tạp.

 Khó khăn thứ nhất: 2/3 tổng lượng nước mặt của Việt Nam phụ thuộc vào nước ngoài
Như trên đã trình bày, 63% tổng lượng dòng chảy nước mặt trên lãnh thổ Việt Nam là từ các nước láng giềng: Trung Quốc, Thái Lan, Mianma, Lào và Campuchia chảy vào.
Các nước này đều đang ở trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đô thị hóa, phát triển nông nghiệp, dịch vụ một cách nhanh chóng. Quá trình phát triển này, dù bằng cách nào cũng sẽ đặt ra cho các nước nói trên yêu cầu tận dụng hợp lý tài nguyên nước sản sinh trên lãnh thổ của họ. Chế độ thủy văn của các dòng sông xuyên biên giới chảy vào nước ta sẽ thay đổi.
Vì vậy, nhìn một cách lâu dài, không thể khẳng định là nước ta sẽ luôn luôn có tài nguyên nước phong phú với tổng lượng là 830 tỷ m3/năm.

 Khó khăn thứ hai: tài nguyên nước phân bố rất không đều theo không gian và thời gian
Tài nguyên nước phân bố rất không đều theo không gian. Có những nơi mưa nhiều như: Bạch Mã thuộc Thừa Thiên - Huế; Bắc Quang thuộc Hà Giang; Nam Châu Lĩnh thuộc Quảng Ninh…Còn ở thị xã Phan Rang, Ninh Thuận, thị xã Phan Rí thuộc Bình Thuận.. thì lại mưa rất ít.


Lượng mưa trung bình năm 2007 trên lãnh thổ Việt Nam
Lượng mưa trên lãnh thổ không chỉ phân bố không đều theo không gian mà còn phân bố không đều theo thời gian. Có khoảng 65- 90% lượng mưa năm tập trung trong 3-6 tháng mùa mưa, còn chỉ có 10-35% lượng mưa năm rơi trong 6-9 tháng mùa khô.

Sự phân bố lượng mưa ở một số tỉnh theo tháng
Sự phân bố nước không đều theo không gian và thời gian làm cho tình trạng thiếu nước về mùa khô và lũ lụt với lưu lượng lớn, có sức tàn phá mạnh mẽ trở nên đặc biệt trầm trọng tại một số nơi. Tỷ lệ giữa lưu lượng tối đa và lưu lượng tối thiểu của một số con sông lên tới 1.000, thậm chí 10.000 lần.
 Khó khăn thứ ba: có nhiều thiên tai gắn liền với nước
Lũ lụt là thiên tai phổ biến nhất và ác liệt nhất ở nước ta. Vào mùa mưa lũ, những trận mưa lớn trên lưu vực sông tạo nên những trận lũ, mực nước sông dâng cao liên tiếp hết đợt lũ này đến đợt lũ khác, hàng năm có thể có thể có từ vài trận lũ đến 10-15 trận lũ.






Bản đồ các vùng đã xảy ra lũ quét năm 2007

Hạn hán cũng là thiên tai gây tác hại hết sức lớn, trên diện rộng cho sản xuất nông, công nghiệp và sinh hoạt của nhân dân. Vào mùa khô tất cả các vùng sinh thái trên nước ta từ đồng bằng, trung du đến miền núi đều có thể bị hạn nặng.

Tại các đô thị, thậm chí đô thị lớn như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Huế và một số thành phố duyên hải miền Trung về mùa khô cũng có nạn thiếu gay gắt nước ăn uống sinh hoạt cho nhân dân, cũng như nước cho sản xuất công nghiệp.
Khung II.1. THIẾU NƯỚC NGAY TẠI THỦ ĐÔ HÀ NỘI
Tính đến ngày 10-6-2003 thành phố đã có thêm 5 khu vực thiếu nước sinh hoạt nghiêm trọng so với mùa hè năm 2002. Đó là các khu vực Ngã Tư Vọng cũ, Làng Tám, Giáp Bát (thuộc quận Hai Bà Trưng); Phương Liệt (quận Thanh Xuân); Phương Mai, Khương Thượng, Xã Đàn, Ô Chợ Dừa và dọc đường đê La Thành (quận Đống Đa). Nguyên nhân là do các nơi này đều nằm trong vùng ảnh hưởng của Nhà máy nước Pháp Vân, có công suất thiết kế 30.000m3/ngày đêm, trong khi công suất khai thác thực tế chỉ đạt 17.000m3/ngày đêm.
Nguồn: Báo Hà Nội mới, ngày 14-6-2003

 Khó khăn thứ tư: chất lượng nước đang giảm sút tại nhiều nơi
Theo Chương trình Phát triển của Liên hợp quốc (UNDP) thì tỷ lệ tiếp cận với nước sạch của nhân dân Việt Nam đã tăng 13% trong giai đoạn 1998 - 2000. Tuy nhiên, với sự phát triển nhanh của công nghiệp hóa, đô thị hóa, gia tăng dân số ở nông thôn cũng như thành thị, chất lượng nước mặt cũng như nước ngầm đã có những biểu hiện suy thoái khá nghiêm trọng.
Mức độ ô nhiễm nước ở một số khu công nghiệp, khu chế xuất, cụm công nghiệp tập trung đã rất lớn. Thí dụ tại Cụm Công nghiệp Tham Lương, thành phố Hồ Chí Minh, ước tính mỗi ngày có khoảng hàng trăm nghìn m3 nước thải công nghiệp từ các nhà máy giấy, hóa chất, dệt nhuộm thải ra, tuy đã có những cố gắng khắc phục, nhưng nước kênh Tham Lương vẫn còn mầu đen, mùi hôi thối, hàm lượng chất độc hại cao.

Khung VI.5. GIẾT MỔ GIA SÚC GÂY Ô NHIỄM MÔI TRƯỜNG NGHIÊM TRỌNG
Thôn Văn Thai, xã Cẩm Văn, huyện Cẩm Giàng (Hải Dương) có nghề giết mổ trâu, bò, cách đây 50 - 60 năm. Hiện nay, làng có khoảng 15 - 20 lò giết mổ đang hoạt động. Lúc cao điểm lên đến hàng trăm lò. Lò nào mổ ít cũng đến 5 - 6 con/ngày, lò mổ nhiều lên tới 10 con/ngày. Nhiều lái trâu, lái bò thực thụ chuyên mua trâu, bò từ Sơn La, Lai Châu,... đem về bán cho các lò mổ. Nghề mổ trâu, bò chuyên nghiệp đến mức người ta chia nhau và chuyên thu mua và buôn bán một mặt hàng nhất định: người chuyên mua và buôn đầu, chân gia súc; kẻ chuyên mua thịt, xương từ các lò mang đi tiêu thụ, tại Hải Phòng, Hà Nội. Mỗi ngày làng Văn Thai cung cấp cho thị trường vài tấn thực phẩm: thịt, xương, da,...
Làm thịt mỗi con trâu bò nặng 400 - 500kg, chủ lò thu khoảng 100.000 đồng. Nghề giết thịt trâu, bò chẳng phải đầu tư vốn là bao nhưng vẫn có thể kiếm lời nhiều. Trâu, bò được nhốt tập trung trong các chuồng trại chờ đến ngày làm thịt đã thải ra một lượng phân lớn, làm ảnh hưởng xấu đến môi trường. Một lượng nước thải giết thịt trâu, bò thải ra mương, sông gây ô nhiễm nguồn nước. Cộng với thói quen ngâm da, xương tươi ở bờ sông cuối thôn rất mất vệ sinh. Xã đã xây vài căn nhà tạm để các hộ tập kết xương, nhưng họ vẫn cố tình đổ tràn lan ra bờ sông, tạo nên một bãi xương thối rữa quanh năm. Bác Trần Văn Thu - một người dân trong làng cho biết, càng ngày tình trạng ô nhiễm càng trầm trọng, không thể chịu nổi. Ông Nguyễn Công Hùng - Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã Cẩm Văn cho biết, xã đã quy hoạch khu đất 2.000m2 để xây dựng lò mổ, vận động các hộ vào hoạt động, nhưng ý định đó đã "không thực hiện được" bởi nhiều lý do. Xã chỉ có thể xây dựng được lò mổ tập trung khi có sự đóng góp của các hộ, thế nhưng các chủ lò không muốn đóng góp để tự gây khó dễ cho mình. Họ cho rằng vào lò mổ của xã vừa bị kiểm soát chặt chẽ về mọi mặt, vừa không được tự do làm ăn. Với tình trạng giết mổ gia súc tràn lan, không được giám sát chặt chẽ như hiện nay, ai dám đảm bảo các sản phẩm do làng làm ra đáp ứng được những yêu cầu về vệ sinh thực phẩm?
Nguồn: Khoa học và Phát triển, số 35+36, ngày 28-8 - ngày 10-9, 2003




 Khó khăn thứ năm: yêu cầu về nước đang tăng nhanh
Cùng với sự gia tăng dân số và phát triển kinh tế xã hội, lượng nước cần dùng cho các nhu cầu tăng mạnh trong tất cả các vùng. Trên phạm vi cả nước, lượng nước cần dùng năm 1990 khoảng 64.889 triệu m3, tăng lên 92.116 triệu m3 vào năm 2000, 121.521 triệu m3 vào năm 2010 và có thể tới 259.540 triệu m3 vào năm 2040.

Lượng nước cần dùng cho tưới, chăn nuôi, thủy sản.. tăng nhanh. Vào năm 2000, tổng lượng nước dùng cho tưới là 76,6x109 m3, chiếm 84% tổng nhu cầu dùng nước, năm 2010 tăng lên 88,8x109 m3. Gần 84% lượng nước khai thác từ nguồn nước dưới đất được sử dụng cho các mục đích nông nghiệp. Tỷ lệ dân số được sử dụng nước sạch hiện nay là 60%, dự kiến sẽ đạt 80% năm 2005 và 95% năm 2010. Với đà gia tăng được dự báo trên đây đến năm 2030 lượng nước sử dụng sẽ có thể lên tới gần 90 tỷ m3 /năm, tức bằng khoảng 11% tổng tài nguyên nước, hoặc 29% tài nguyên nước hình thành trên lãnh thổ quốc gia.
III. CÁC TÁC ĐỘNG GÂY SUY THOÁI CHẤT LƯỢNG NGUỒN NƯỚC
Ngày nay, nhu cầu phát triển kinh tế nhanh với mục tiêu lợi nhuận cao, con người đã lờ đi các tác động ảnh hưởng đến các nhân tố tự nhiên và môi trường một cách trực tiếp hoặc gián tiếp. Đặc biệt đối với các nước đang phát triển và các nước nghèo đã làm cho môi trường nước bị ô nhiễm ngày càng trầm trọng hơn.
Sự gia tăng dân số quá nhanh là nguyên nhân chính gây áp lực lên nguồn nước. Vì nhu cầu nước cho phát triển nông nghiệp để gia tăng lương thực thực phẩm, phát triển công nghiệp để gia tăng hàng hóa và gia tăng thêm nhiều hình thức dịch vụ…

Tài nguyên nước ngày càng được sử dụng rộng rãi cho các nhu cầu khác nhau, càng làm tăng nguy cơ gây suy thoái nguồn nước.


1. Ảnh hưởng do hoạt động sống của con người:
- Các dòng nước mặt (sông, kênh rạch…) đặc biệt là ở vùng đô thị đều bị ô nhiễm trầm trọng bởi rác thải, nước thải sinh hoạt từ các khu dân cư xả vào kênh rạch chưa qua xử lý. Tình trạng lấn chiếm lòng, bờ sông kênh rạch để sinh sống, xả rác và nước thải trực tiếp trên bề mặt gây ô nhiễm nước mặt, cản trở lưu thông của dòng chảy, tắc nghẽn cống rãnh tạo nước tù. Môi trường yếm khí gia tăng phân hủy các hợp chất hữu cơ, không những gây mùi hôi thối, ô nhiễm nguồn nước và môi trường mà còn gây khó khăn trong việc lấy nguồn nước mặt để xử lý thành nguồn nước sạch cấp cho nhu cầu xã hội.

- Nhu cầu nước sử dụng cho ăn uống, sinh hoạt và các hoạt động khác của con người gia tăng, dẫn đến tình trạng khai thác nước dưới đất tràn lan gây cạn kiệt nguồn nước và ảnh hưởng đến môi trường như sụp lún, nhiễm mặn…

- Nhiều giếng khoan thi công không đúng kỹ thuật (Kết cấu giếng không tốt, giếng gần khu vực nhà vệ sinh, hệ thống xử lý nước thải…), giếng khoan hư không được trám lấp là nguyên nhân gây ô nhiễm nguồn nước.


- Nhiều sự cố gây thất thoát nước do đường ống dẫn nước cũ gẫy bể lâu ngày, rò rỉ nước từ van hư củ. Lười hoặc quên tắt van cũng là nguyên nhân gây lãng phí nước.


- Giữa nước mặn và nước nhạt có một ranh giới, khi họat động khai thác nước dưới đất quá mức đường ranh giới này sẽ tiến dần đến công trình khai thác, mực nước mặn xâm nhập dần, đẩy lùi mực nước ngọt vào sâu và làm nhiễm mặn các công trình khai thác trong khu vực.
Mặt khác do nước biển tràn vào hoặc do con người dẫn nước biển vào sâu trong ruộng để làm muối, dẫn đến xâm nhập mặn vào tầng chứa nước.

- Để gia tăng môi trường sống, con người phá rừng lấp đất, sang ruộng cất nhà làm đường dẫn đến mất khả năng giữ nước của đất, lượng nước bề mặt không được thấm bổ cập vào nước ngầm mà chảy vào sông rạch ra biển. Ngoài ra còn gây ngập lụt, trược lỡ đất.



2. Ảnh hưởng do phát triển nông nghiệp
- Việc chăn nuôi gia súc gia cầm ở hộ gia đình vùng nông thôn còn chưa có ý thức tiết kiệm nguồn nước trong việc vệ sinh, vệ sinh chuồng trại, chưa có hệ thống xử lý chất thải nước thải, phần lớn cho vào ao hồ, bể tự hoại để thấm vào đất dễ gây ô nhiệm môi trường đặt biệt là nguồn nước ngầm.

- Việc nuôi các bè cá, bè tôm trực tiếp trên các dòng nước mặt sông rạch đã làm ô nhiễm nguồn nước do một số nguyên nhân: thức ăn của cá dư thừa, sự khuấy động nguồn nước, sự cản trở lưu thông dòng mặt.

- Nhiều giếng khoan ngoài ruộng vườn để tưới tiêu không đảm bảo kỹ thuật gây nhiễm bẫn, nhiễm các hóa chất và thuốc trừ sâu …


- Với tình trạng sử dụng bừa bãi, tùy tiện các loại hóa chất trong phân bón, các loại thuốc kích hoạt phát triển cây… Nhiều hệ thống kênh mương tưới tiêu nội đồng đã bị ô nhiễm nguồn nước và phát tán rộng.

- Hệ thống tưới tiêu và hình thức tưới tiêu không hợp lý là nguyên nhân gây thất thoát lưu lượng nước lớn trong ngành trồng trọt.

3. Ảnh hưởng do phát triển công nghiệp và dịch vụ
- Việc gia tăng nhiều nhà máy, xí nghiệp từ quy mô nhỏ hộ gia đình đến quy mô lớn dẫn đến nhu cầu về nguồn nước tăng, không những nước phục vụ cho sản xuất mà còn phục vụ sinh hoạt cho một số lượng lớn công nhân từ nhiều vùng khác nhau tập trung về. Đặc biệt ở các khu vực chưa có hệ thống cấp nước, mật độ khai thác nước dưới đất sẽ gia tăng nhanh, từ đó dẫn đến tình trạng cạn kiệt nguồn nước và sụp lún đất.

- Các chất thải công nghiệp như khối, bụi…tạo nên mưa axít không những làm thay đổi chất lượng nước ngọt, mà còn ảnh hưởng xấu đến đất và môi trường sinh thái.
- Việc xả nước thải sản xuất từ các nhà máy, khu chế xuất khu công nghiệp chưa được xử lý vào sông rạch, ao hồ gây ô nhiễm nước mặt, nước dưới đất. Thậm chí có nơi còn cho nước thải chảy tràn trên mặt đất để tự thấm xuống đất hoặc đào các hố dưới đất để xả nước thải làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến các tầng nước dưới đất.

4. Ảnh hưởng do một số nguyên nhân khác
- Hệ thống kênh rạch không được nạo vét dẫn đến tích tụ một khối lượng lớn các vật chất hữu cơ từ nước thải, rác thải gây bồi lắng và ảnh hưởng đến việc tiêu thoát của dòng nước.
- Các bãi chôn rác không đạt yêu cầu kỹ thuật, nước rỉ ra từ rác thấm vào mạch nước ngầm hoặc cho chảy tràn trên mặt đất vào kênh rạch.
- Các dòng nước mặt trên sông, kênh rạch còn bị ô nhiễm do xăng dầu của các tàu bè đi lại, hoặc các sự cố vận chuyển khác trên sông, biển.

- Ảnh hưởng do chưa có ý thức về sử dụng và bảo vệ nguồn nước như sử dụng bừa bãi hoang phí, không đúng mục đích sử dụng…

IV. BẢO VỆ TÀI NGUYÊN NƯỚC

Tài nguyên nước không phải là vô tận. Nước được xem như là một loại hàng hóa kinh tế vì nước có giá trị kinh tế trong mọi loại hình sử dụng. Việc bảo vệ tài nguyên nước không phải là chuyện của riêng ai, mà phải cần có sự phối hợp giữa nhà nước và người dân.

Từng người, từng hộ dùng nước phải nhận thức đươc nghĩa vụ, trách nhiệm trong việc bảo vệ nguồn tài nguyên nước quý giá. Dùng đủ hôm nay, gìn giữ cho ngày mai.

- Sử dụng tiết kiệm nước.
- Áp dụng công nghệ sản xuất mới, sử dụng nước khép kín, hạn chế tiêu thụ nước.
- Hạn chế bớt việc trồng cấy các loại cây trồng có nhu cầu tưới nước nhiều. Giảm lượng nước sử dụng tổn thất do bốc hơi, kiên cố hóa kênh mương, giảm lượng thấm, rò rỉ trong hệ thống thủy nông.
- Phát triển các đập và hồ chứa.
- Tăng khả năng chuyển nước mặt sang nước ngầm.
- Trữ nước mưa.
- Trữ nước trong các vùng đất ngập nước.


VI. QUẢN LÝ TÀI NGUYÊN NƯỚC

* Vì sao phải quản lý tài nguyên nước?

Cũng như các tài nguyên khác, tài nguyên nước là tài sản của Quốc gia phải được quản lý. Việc quản lý Tài nguyên nước thông qua các tổ chức, cơ quan quản lý và hệ thống pháp luật về Tài nguyên nước.
Mục đích là làm sao giải quyết được mâu thuẫn giữa nhu cầu nước của các đối tượng dùng nước, thỏa mãn nhu cầu hiện tại không làm ảnh hưởng đến thế hệ con cháu trong tương lai, duy trì cân bằng giữa sử dụng tài nguyên và bảo vệ- bảo tồn Tài nguyên nước.

Đứng trước muôn vàn thách thức về tài nguyên nước, chúng ta cần có những biện pháp hợp lý để quản lý tổng hợp nguồn tài nguyên nước quý giá trên quan điểm phát triển bền vững.

* Nội dung chính của công tác Quản lý Tài nguyên nước:

- Tăng cường tuyên truyền giáo dục để nâng cao nhận thức của cộng đồng về những thông tin về Tài nguyên nước, đặc biệt là cần làm cho cộng đồng hiểu rẳng: nước là nguồn tài nguyên quý giá, có khả năng tái tạo nhưng là hữu hạn, nước có giá trị của nó.
- Thực hiện các giải pháp khai thác sử dụng hợp lý tài nguyên nước. Căn cứ vào điều kiện tự nhiên và kinh tế xã hội mà tiến hành phân phối nguồn nước để đem lại hiệu quả cao nhất, áp dụng thuế nước và các biện pháp kinh tế khác.
- Ban hành các chính sách về quản lý Tài nguyên nước ( Luật nước và các nghị định pháp luật có liên quan).
- Quản lý thống nhất nguồn nước, gồm sự thống nhất giữa sử dụng và bảo vệ, giữa sử dụng và tiết kiệm, giữa lượng nước và chất lượng nước.
- Triển khai các giải pháp phòng tránh và hạn chế tác hại của thiên tai về nước gây ra.
- Căn cứ vào điều kiện tự nhiên và kinh tế- xã hội, xây dựng chiến lược quy hoạch phát triển bền vững tài nguyên nước của quốc gia, từng vùng kinh tế, các lưu vực sông..
- Tạo điều kiện thuận lợi cho xã hội cộng đồng tham gia quản lý và bảo vệ môi trường nước.







* Một số văn bản quy phạm pháp luật chính liên quan đến quản lý tài nguyên nước:
- Luật Tài nguyên nước (20/5/1998) và nghị định số 179/1999/NĐ-CP ngày 10/7/1999 về Thi hành Luật Tài nguyên nước.
- Pháp lệnh Phòng chống lụt bão (1993).
- Bổ sung và sửa đổi Pháp lệnh phòng chống lụt bão (2000)
- Nghị định số 26/CP của Chính Phủ ngày 26/4/1996 Quy định xử phạt vi phạm hành chính về bảo vệ môi trường.
- Nghị định số 67/2003/NĐ-CP ngày 13/6/2003 về phí bảo vệ môi trường đối với nước thải.
- Chỉ thị số 200/TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 29/4/1994 về bảo đảm cung cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn.
- Chỉ thị số 487/TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 30/7/1996 về tăng cường quản lý nhà nước đối với tài nguyên nước.
- Quyết định số 67/2000/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 15/6/2000 thành lập Hội đồng Quốc gia về Tài nguyên nước.
- Quyết định số 104/2000/QĐ-TTg ngày 25/8/2000 về chiến lược quốc gia về nước sạch và vệ sinh môi trường ở các vùng nông thôn.
- Quyết định số 45/QĐ-TTg ngày 2/4/2003 về việc thành lập các sở Tài nguyên và Môi trường.
- Quyết định số 357 của Bộ NN&PTNT ngày 13/3/1997 ban hành quy chế tạm thời thực hiện chế độ cấp phép thăm dò, khai thác, hành nghề khoan nước ngầm và đăng ký công trình khai thác nước ngầm.
- Pháp lệnh khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi ( Lệnh của CTN số 36L/CTN ngày 10/9/1994).
- Thông tư 21/2009/TT-BTNMT ngày 11/5/2009 Qui định về Định mức kinh tế - kỹ thuật điều tra, đánh giá hiện trạng xả nước thải và khả năng tiếp nhận nước thải của nguồn nước .












VII. KẾT LUẬN:

Tài nguyên nước ở Việt Nam khá phong phú và đa dạng nhưng không phải là vô tận. Hiện tại nguồn tài nguyên nước ở Việt Nam đang đứng trước nguy cơ bị đe dọa nghiêm trọng bởi rất nhiều nhân tố: sự gia tăng dân số, các hoạt động sống của con người cùng với đó là sự phát triển của nông nghiệp, công nghiêp và dịch vụ… Cùng với nhu cầu sử dụng nguồn tài nguyên nước càng tăng mà việc bảo vệ và quản lý lại chưa thực sự đem lại hiệu quả. Nên vấn đề quản lý và sử dụng nguồn tài nguyên nước một cách hợp lý là một vấn đề cấp thiết, nó không phải là trách nhiệm của một tổ chức hay một cơ quan quản lý nào mà là nhiệm vụ chung của tất cả các ban ngành và toàn xã hội. Bảo vệ và sử dụng hợp lý tài nguyên nước sẽ góp phần thực hiện các mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường. Hãy đưa ra những biện pháp thực tế nhất để tài nguyên nước của Việt Nam nói riêng và toàn thế giới nói chung được bảo vệ và quản lý một cách chặt chẽ nhằm đáp ứng được nhu cầu về nước của hiện tại và tương lai.



H 6. Nguồn nước dồi dào này
sẽ còn đến bao giờ.
(Nguồn:Ảnh vhdn.com)



TÀI LIỆU THAM KHẢO:


1. Giáo trình Quản lý nguồn nước –Trường đại học Nông Nghiệp Hà Nội. NXB Nông Nghiệp năm 2005
2. Giáo trình Kinh tế tài nguyên – Trường đại học Nông Nghiệp Hà Nội. NXB Tài Chính năm 2009
3. http://www.donre.hochiminhcity.gov.vn/dulieu/tietkiemnuoc.htm
4. http://tailieu.vn
5. http://congnghiepmoitruongcie.wordpress.com
6. Nguyen Thanh Son - Danh gia Tai nguyen nuoc Viet Nam - 2005_ 2007
7. Tạp chí Bảo Vệ Môi Trường ( Số 5 – 2003) - Tạp chí của Cục Bảo Vệ Môi Trường - Bộ Tài Nguyên Và Môi Trường.
 

Grac đô thị không rác

Chủ đề mới

BQT trực tuyến

Thành viên trực tuyến

Thống kê diễn đàn

Chủ đề
10,833
Bài viết
42,126
Thành viên
31,234
Thành viên mới nhất
khachmua