Sàn giao dịch phế liệu online
Mô hình kinh tế tuần hoàn

Yeumoitruong - Since 2007

Sức khỏe con người bị đe dọa nghiêm trọng

meomaythongminh

Cây đầu làng
Tham gia
24/5/07
Bài viết
691
Cảm xúc
7
An toàn hóa chất | an toàn lao động | Sự cố tràn dầu | Bộ ứng cứu tràn đổ 25L
Chất thải nguy hại có mặt khắp nơi
Sức khỏe con người bị đe dọa nghiêm trọng
SGGP:: Cập nhật ngày 17/05/2007 lúc 22:47'(GMT+7)

*
Biện pháp ngăn chặn chưa có

Mỗi năm, TPHCM hứng hàng ngàn tấn chất thải nguy hại phát sinh trong quá trình sản xuất của các doanh nghiệp. Điều đáng lo ngại là nhiều loại chất thải này có khả năng thông qua thức ăn vào cơ thể con người, gây ra một số bệnh ác tính cho con người, phổ biến nhất là bệnh ung thư, nhưng việc quản lý cũng như tiêu hủy loại chất thải này như thế nào lại đang vượt khỏi tầm kiểm soát của các cơ quan chức năng.

Chất thải nguy hại đang dồn về thành phố

Chất thải từ các xưởng nhuộm tại khu phố 6, phường Bình Hưng Hòa A, quận Bình Tân. (ảnh chụp 17-5-2007). Ảnh: Đức Trí

Ông Nguyễn Trung Việt, Trưởng phòng quản lý chất thải rắn Sở Tài nguyên - Môi trường TPHCM cho biết, chỉ tính riêng tại Nhà máy nước Thủ Đức hiện còn khoảng 30 tấn dầu có chứa chất PCB và khoảng 30 tấn thuốc bảo vệ thực vật có khả năng gây ô nhiễm môi trường, tồn tại mấy chục năm nay nhưng chưa có biện pháp xử lý. Hơn nữa, mỗi ngày thành phố còn phải tiếp nhận thêm khoảng 180 – 200 tấn chất thải nguy hại phát sinh trong quá trình sản xuất của các doanh nghiệp, các KCX-KCN.

Chưa kể trong những năm gần đây, một lượng lớn chất thải nguy hại từ các khu vực miền Trung và các tỉnh thành thành phía Nam đều dồn về TPHCM. Lý giải thực tế trên, theo ông Việt, cho đến nay trên cả nước vẫn chưa có trung tâm xử lý chất thải nguy hại nào ngoài TP Hà Nội có bãi chôn lấp riêng cho chất thải nguy hại. TPHCM có khoảng 20 đơn vị đăng ký thu gom, vận chuyển chất thải nguy hại nhưng chỉ có 4 đơn vị có công nghệ xử lý chất thải.

Các đơn vị này đang quá tải trước lượng chất thải nguy hại đang ngày một nhiều trên địa bàn thành phố, chưa kể đến chất thải từ các tỉnh khác đổ về. Một số liệu của Sở Tài nguyên - Môi trường TPHCM cho thấy chỉ có một khối lượng ít chất thải rắn có giá trị kinh tế cao được các đơn vị tận dụng tái sinh, tái chế, còn lại chất thải có ít hoặc không có giá trị kinh tế thì bị thải bỏ bừa bãi vào môi trường hoặc trộn lẫn với rác thải sinh hoạt.

PGS-TS Phùng Chí Sỹ, Viện Kỹ thuật nhiệt đới và Bảo vệ môi trường, cho biết có khoảng 1.000 nhà máy nằm trong KCX-KCN và hơn 1.000 nhà máy quy mô lớn, 6.000 nhà máy quy mô vừa và nhỏ nằm rải rác trên khắp thành phố. Đây chính là nguồn phát sinh chất thải nguy hại ngày càng nhiều và phức tạp. Dự kiến đến năm 2010, thành phố sẽ tiếp nhận khoảng gần 300 ngàn tấn chất thải nguy hại. Những ngành được xem phát sinh ra nhiều chất thải nguy hại nhất đã được xác định, dẫn đầu là chế biến thực phẩm với khoảng 37 ngàn tấn/năm; kế đến là chế biến gỗ gần 8 ngàn tấn/năm; hóa chất, may mặc, in hoa với hơn 6 ngàn tấn/năm; cơ khí, nhựa, cao su, dệt nhuộm, luyện kim, giấy, bột giấy với hơn 2 ngàn tấn/năm…

Quản lý, xử lý quá khó

Theo ông Phùng Chí Sỹ, TPHCM không những thiếu về số lượng những cơ sở có khả năng xử lý chất thải nguy hại mà còn yếu cả về khả năng xử lý một số chất phức tạp. Điển hình như Công ty cổ phần Môi trường Việt Úc chỉ tái chế được dầu hoặc dung môi hữu cơ, thiêu đốt chất thải với công suất 4.500 tấn/năm; Công ty Môi trường Xanh cũng chỉ tái chế được dung môi hữu cơ... Về 4 đơn vị xử lý chất thải ở TPHCM, ông Nguyễn Trung Việt cho rằng: công nghệ xử lý của họ rất lạc hậu. Nguyên nhân chủ yếu là chi phí đầu tư cho dây chuyền xử lý này cực đắt. Trung bình, một dây chuyền xử lý chất thải nguy hại loại 21 tấn có giá khoảng 9 tỷ đồng.

Tác hại của chất thải nguy hại là vô hình nhưng cực kỳ nguy hiểm

Một trong những dạng chất thải nguy hại được xem là ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của con người và môi trường là các hợp chất hữu cơ bền (viết tắt POPs). Những hợp chất hữu cơ này vô cùng bền vững, tồn tại lâu trong môi trường, có khả năng tích lũy sinh học trong nông sản, thực phẩm và trong các nguồn nước, mô mỡ của động vật gây ra hàng loạt các bệnh nguy hiểm đối với con người, phổ biến nhất là bệnh ung thư. Đặc biệt các hợp chất hữu cơ trên được sử dụng rất nhiều trong đời sống hàng ngày của con người ở các dạng dầu thải trong các thiết bị điện trong gia đình, các thiết bị trong ngành điện như máy biến thế, tụ điện, đèn huỳnh quang, dầu chịu nhiệt, dầu biến thế; chất làm mát trong truyền nhiệt, trong các dung môi chế tạo mực in, ngành công nghiệp sản xuất sơn… Hiện kết quả phân tích các mẫu đất, nước, không khí đều tìm thấy sự tồn tại của các loại hợp chất trên. Cho đến nay, tác hại nghiêm trọng của chúng cũng đã được thể hiện khá rõ nét thông qua hình ảnh những em bé dị dạng, số lượng bệnh nhân bị các bệnh về tim mạch, rối loạn thần kinh, và nhất là những căn bệnh ung thư ngày càng gia tăng mà việc chẩn đoán cũng như xác định phương pháp điều trị gặp rất nhiều khó khăn.

Điều đáng lo ngại là hầu hết chất thải nguy hại đều cực kỳ khó phân hủy. Nếu nhiệt độ lò đốt không đạt từ 800°C trở lên thì các chất này không phân hủy hết. Ngoài ra, sau khi đốt, chất thải cần được làm lạnh nhanh, nếu không các chất lại tiếp tục liên kết với nhau tạo ra chất hữu cơ bền, thậm chí còn sinh ra khí dioxin cực độc thoát vào môi trường.

Tại TPHCM, hiện nay nhiều nơi mới dừng ở phương pháp đốt thủ công nên không tránh khỏi tình trạng lượng lớn khí dioxin sinh ra. Còn về phía cơ quan quản lý, hiện tại gần như không có bất kỳ thiết bị kiểm tra, giám sát nào về các loại chất thải trên. Theo ông Việt, muốn phân tích mẫu chất thải nguy hại, tốn khoảng 8 triệu đến 30 triệu đồng/mẫu.

Ngành chức năng không có kinh phí thực hiện! Hơn nữa, cho đến nay trên cả nước chưa có bất kỳ trung tâm phân tích nào có đủ khả năng lấy mẫu khí chất thải nguy hại sau khi đã bị đốt để phân tích xem chất thải nguy hại đã phân hủy hết hay chưa.

Chính phủ đã có chỉ đạo thành lập 3 trung tâm xử lý chất thải nguy hại cho 3 vùng Bắc, Trung, Nam. Trong đó, trung tâm phía Nam sẽ được xây dựng tại khu vực được quy hoạch là Khu công nghiệp Biên Hòa. Chính phủ Na Uy sẽ tài trợ 1,1 triệu USD để thực hiện dự án trên.

Tuy nhiên, sau đó UBND tỉnh Đồng Nai có quyết định đổi khu vực trên thành Khu công nghiệp Biên Hòa và dự án trên bị phá sản. Cục Bảo vệ môi trường thuộc Bộ Tài nguyên - Môi trường cho biết, hiện cục đang lập dự án xây dựng 3 trung tâm xử lý chất thải nguy hại lớn cho cả 3 khu vực Bắc, Trung, Nam nhưng khi nào các dự án trên mới được hiện thực thì còn phải chờ.

TPHCM cũng đã chủ động lập kế hoạch xây dựng nhà máy xử lý chất thải nguy hại ở Khu liên hiệp xử lý chất thải Tây Bắc – Củ Chi nhưng hiện chỉ mới lập xong dự án nghiên cứu tiền khả thi và đang trình Bộ Kế hoạch-Đầu tư xin vay vốn ODA của Nhật… Không biết phải chờ đến bao giờ thì mới có đơn vị xử lý chất thải nguy hại tương xứng với yêu cầu về tốc độ phát triển, trong khi khối lượng chất thải không ngừng tăng lên và kéo theo đó là những hệ lụy về sức khỏe người dân ngày càng gia tăng đến mức đáng báo động.

 

Grac đô thị không rác

Chủ đề mới

Thành viên trực tuyến

Không có thành viên trực tuyến.

Thống kê diễn đàn

Chủ đề
10,859
Bài viết
42,174
Thành viên
31,232
Thành viên mới nhất
khachmua